GIÁO DỤC-Y TẾ
Xã Thanh Lang giữ gìn, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”
20/11/2023 12:00:00

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng và giữ gìn được nhiều truyền thống tốt đẹp, tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng. Vào mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trên khắp mọi miền đất nước, các thế hệ học trò lại gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những bông hoa tươi thắm nhất đến các thầy giáo, cô giáo với tấm lòng biết ơn sâu sắc. Đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ bao đời nay của dân tộc ta.

Ca dao có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” và tục ngữ cũng đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên”... đủ thấy được lòng trân trọng, kính yêu của Nhân dân ta dành cho người thầy như thế nào.

Người thầy luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo, ngoài việc có kiến thức uyên bác thì người thầy phải có đạo đức, lối sống mẫu mực, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái nghĩa tình, trọng đạo lý. Tìm trong lịch sử dân tộc ta có biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời tận trung vì dân, vì nước. Cuộc sống của họ thanh bần mà được người dân ca tụng, lưu danh muôn thuở. Ví như thầy giáo Chu Văn An (thời Trần), là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, ông có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Hay nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh của cụ Tư đồ Trần Nguyên Đán; nhà giáo Lương Đắc Bằng nghiêm khắc dạy bảo, truyền kinh lý cho Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ trạng nguyên... Do lấy tư tưởng đạo đức làm nền tảng cơ bản, lấy luân lý làm kiến thức phổ thông nên quan hệ thầy - trò ngày xưa tuy rất khuôn phép theo lễ giáo phong kiến, nhưng thể hiện được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của một nền giáo dục Nho học.

Ngày nay, truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn được tiếp nối và phát huy. Vị trí người thầy không ngừng được nâng lên, ơn nghĩa đối với người thầy vẫn là một trong những đạo lý được coi trọng. Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội luôn quan tâm đến giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần của người thầy; đề ra nhiều chính sách nhằm ưu tiên cho phát triển giáo dục. Đặc biệt, trong xã hội học tập, mọi người được học tập suốt đời như hiện nay thì vai trò của người thầy lại càng trở nên quan trọng. Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua đã nâng vị thế của nhà giáo lên tầm cao mới. Đó là “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”... Cùng với giáo dục cả nước, ngành giáo dục xã Thanh Lang đã có biết bao thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”,. Biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê giúp học sinh mang lại vinh quang cho quê hương, tự hào về một miền đất “hiếu học” đã được hun đúc bởi truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Đạo lý thầy - trò, “tôn sư trọng đạo” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của Nhân dân ta. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh. Vì lẽ đó, trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, từ nơi thuận lợi đến vùng khó khăn, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho thầy những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo lại được coi là quốc sách hàng đầu và ngày 20/11 hằng năm trở thành ngày hội lớn để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.

Người xưa thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Hàm ý muốn nhắc nhở chúng ta về đạo thầy - trò. Rằng phải tôn kính, biết ơn người dạy dỗ, dìu dắt mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo nghị quyết của Đảng. Đội ngũ nhà giáo xã Thanh Lang cần xác định sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước xã hội như lời Bác Hồ - người thầy vĩ đại của dân tộc đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đối với các thế hệ học sinh phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, đạo lý thầy - trò để đưa sự nghiệp “trồng người” của xã nhà không ngừng phát triển.

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 12 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 2603
Trước & đúng hạn: 2603
Trễ hạn: 0
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:05/12/2023 05:51:47)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH LANG - HUYỆN THANH HÀ
Trưởng Ban Biên tập: Ông Tiêu Công Thuật - Chủ tịch UBND xã 
Địa chỉ: UBND xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương
Điện thoại: 0964831263
Email: thanhlang.thanhha@haiduong.gov.vn
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0