GIÁO DỤC-Y TẾ
Phòng, chống sốt xuất huyết Dengue
14/08/2023 12:00:00

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây nên. Bệnh sốt xuất huyết Dengue sảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Bệnh gặp cả ở trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn tới sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời dễ dẫn tới tử vong. Để phòng chống sốt xuất Dengue có hiệu quả chúng ta cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về sốt xuất huyết Dengue  như sau:


1. Mầm bệnh, là do vi rút Dengue thuộc giống Favivirut họ Arbovirut nhóm B, vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là Dengue 1, 2, 3, 4.

2. Nguồn bệnh, là bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt là những người mắc bệnh thể nhẹ không được quản lý là nguồn bệnh quan trọng. Loài khỉ hoang dại là nguồn chứa mầm bệnh trong tự nhiên.

3. Đường lây, Muỗi Aedes aegypti là tác nhân truyền bệnh chủ yếu, đây là loại muỗi vằn sống cả trong nhà và ngoài trời, ưa đốt người. Muỗi sinh sản thuận lợi ở những dụng cụ chứa nước nhân tạo trong hoặc ngoài nhà ở, phát triển thuận lợi ở điều kiện nhiệt độ 32 đến 35 0C.

4. Cơ thể cảm thụ, mọi người đều có thể bị mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, trẻ em dễ mắc hơn người lớn.

5. Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue:

Năm 2017 bệnh sốt xuất huyết Dengue đang diễn biến hết sức phức tạp, tính từ đầu năm đến hết tháng 7 cả nước đã ghi nhận trên 60.000 ca bệnh, trong đó có hơn 50.000 ca phải nhập viện điều trị, đã có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 số nhập viện tăng 11,2%, số tử vong tăng 3 trường hợp. Nhiều tỉnh thành phố có số mắc cao và dịch đang có nguy cơ lan rộng, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình thuận, Bình dương…. Tại Hà Nội tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 7000 ca mắc sốt xuất huyết, đặc biệt trong tháng 7 số bệnh nhân tăng cao với hơn 2800 ca mắc mới.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, tích lũy từ đầu năm đến hết tháng 7 toàn tỉnh ghi nhận 51 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết dengue (SXHD), không có tử vong. Tại huyện Thanh Hà, từ đầu năm đến nay ghi nhận 07 trường hợp, 06 trường hợp có yếu tố dịch tễ nội địa (Thanh An 01, Thanh Thủy 01, Hồng Lạc 01, Thanh Sơn 03), 01 trường hợp có yếu tố ngoại lai (Tân Việt). Thời tiết hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh SXHD, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới là rất lớn.

6. Biểu hiện lâm sàng:

– Bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục 2 đến 7 ngày. Đau đầu, đau mỏi cơ khớp, đau hai hố mắt.

– Chán ăn, buồn nôn, có thể có rối loạn tiêu hóa.

– Khám thấy gan to, có thể gặp một trong các hình thái xuất huyết như: Dấu hiệu dây thắt (+), xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng.

– Có thể thấy tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng.

– Trường hợp nặng có suy đa tạng như suy gan cấp, suy tuần hoàn.

– Xét nghiệm công thức máu Bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm, Hematocrit tăng, SGOT và SGPT tăng, trường hợp nặng có rối loạn đông máu.

– Để chẩn đoán xác định sốt xuất huyết Dengue làm xét nghiệm tìm kháng nguyên NS1, xét nghiệm ELISA tìm kháng thể IgM và IgG, phân lập vi rút PCR.

Lâm sàng bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ( theo tổ chức y tế thế giới WHO):

6.1. Sốt xuất huyết Dengue:

Biểu hiện lâm sàng, sốt cao đột ngột liên tục từ 2 – 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau

– Có dấu hiệu dây thắt (+), chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

– Da xung huyết, phát ban.

– Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

– Xét nghiệm máu Hematocrit bình thường hoặc tăng. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm. Số lượng Bạch cầu thường giảm.

6.2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Bao gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:

– Vật vả, li bì.

– Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

– Gan to lớn hơn 2cm.

– Nôn nhiều.

– Xuất huyết niêm mạc nhiều.

– Tiểu ít.

– Xét nghiệm máu Hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng.

6.3. Sốt xuất huyết Dengue nặng

Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:

– Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích(sốc sốt xuất huyết Dengue).

– Xuất huyết nặng.

– Suy tạng.

7. Điều trị

Nguyên tắc điều trị:

– Bổ sung nước điện giải sớm, đủ tùy theo mức độ bệnh.

– Hạ thân nhiệt và thuốc an thần khi có sốt cao(nhất là trẻ em và người già),

– Xử trí tốt mọi hình thái xuất huyết.

– Phát hiện và xử trí sớm khi có sốc.

– Nuôi dưỡng chăm soc hộ lý tốt.

+ Với sốt xuất huyết Dengue: Phần lớn các trường hợp nên điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm diễn biến nặng xử trí kịp thời, chuyển tuyến trên khi có chỉ định.

Hạ thân nhiệt khi bệnh nhân sốt cao >38o5, lau mát bằng nước ấm, nới lỏng quần áo. Dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol đơn chất liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần cách nhau 4 – 6 giờ. Lưu ý không dùng quá liều 60mg/mg cân nặng/24 giờ. Không dùng thuốc Aspirin, Analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Bù dịch sớm bằng đường uống, khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol, nước trái cây, nước cháo loãng với muối. Khi bệnh nhân không uống được do nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, xét nghiệm Hematocrit tăng cao phải chỉ định truyền dịch.

+ Với sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần nhập viện điều trị.

8. Phòng bệnh:

Để dự phòng mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue cho mỗi cá nhân, gia đình và không bùng phát thành dịch trong cộng đồng, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:

– Thực hiện ngủ phải mắc màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ban ngày ở vùng có dịch.

– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để không cho muỗi vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thau rửa dụng cụ và thả cá vào các dụng cụ chứa nước.

– Hàng tuần tiến hành tổng vệ sinh trong nhà và xung quanh, thu dung tiêu hủy các dụng cụ phế thải, không để có các dụng cụ chứa nước tồn tại như chai lọ, ống bơ, lốp xe, vỏ dừa, bát vỡ…,lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

– Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi định kỳ và khi có dịch.

– Tăng cường tuyên truyền cho mọi người dân ý thức và trách nhiệm trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết đối với cộng đồng.

– Khi có triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh, tư vấn, điều trị và theo dõi kịp thời.

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 11 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 2566
Trước & đúng hạn: 2566
Trễ hạn: 0
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:28/11/2023 21:31:32)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH LANG - HUYỆN THANH HÀ
Trưởng Ban Biên tập: Ông Tiêu Công Thuật - Chủ tịch UBND xã 
Địa chỉ: UBND xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương
Điện thoại: 0964831263
Email: thanhlang.thanhha@haiduong.gov.vn
Đang truy cập: 2
Hôm nay: 206
Tháng này: 7,889
Tất cả: 78,437