1. Vài nét về di tích lịch sử - văn hoá Đền Tòng Thiện:
Ngược dòng lịch sử, từ xa xưa, mảnh đất Thanh Lang là vùng đầm lầy, lau sậy, sú vẹt mọc ngút ngàn; sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, bốn bề sông nước, cây mọc thành rừng gọi là rừng vông, rừng tre. Dân lưu tán đến khai khẩn, làm ruộng, đánh cá, tụ cư thành trang trại như trại trại Cây Tre, Cây Sung, Đồng Vông.
Trải qua trên một nghìn năm lịch sử, tên làng, xóm đã thay đổi nhiều lần, tên Thanh Lang tồn tại từ sau cải cách ruộng đất (1955) đến nay.
Xã Thanh Lang, được chia làm 4 thôn, gồm: Thôn Lang Can 1, thôn Lang Can 2, thôn Lang Can 3 và thôn Kim Can. Cả xã có nhiều di tích, hầu hết mới được khôi phục trong những năm gần đây, trong đó đền Tòng Thiện là di tích có bề dày lịch sử và các nét đẹp văn hoá cổ xưa.
Căn cứ vào tài liệu “Thần tích, Thần sắc" năm 1938 được lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học và xã hội Hà Nội và các sử sách cho biết: Đền Tòng Thiện xã Thanh Lang là nơi thờ Trần Hưng Đạo, người có công lãnh đạo nhân dân 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông dành lại độc lập dân tộc vào cuối thế kỷ XIII. Qua khảo sát, di tích đền Tòng Thiện thờ Trần Hưng Đạo với tư cách đại diện cho Đạo giáo Việt Nam, với ý nghĩa tôn sùng ông như Ngọc Hoàng Thượng đế. Bởi vậy ở đây còn thờ cả Ngọc Hoàng Thượng đế và Nam Tào, Bắc Đẩu.
Hiện nay đền Tòng Thiện còn phối thờ các vị thành hoàng làng, đó là Trần Quang Tế và Đinh Công Sắc là 2 trong 7 vị người xã nhà tham gia vào quân đội triều nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy, vượt biên giới tiêu diệt 10 vạn quân Tống tại sào huyệt của chúng ở Khâm Châu và Liên Châu (năm 1075) trong đó có 6 người lập được công trạng, các vị đều được sắc phong của vua triều Nguyễn.
Đền Tòng Thiện được khởi dựng đã trên trăm năm nay, di tích trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa trong các thời đại phong kiến với quy mô khác nhau.
Trong kháng chiến chống Pháp, di tích bị tàn phá nghiêm trọng, do đó công trình bị xuống cấp, nhiều đồ thờ tự có giá trị cũng bị thiêu hủy và thất tán.
Năm 1990, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân địa phương, Đền đã được khôi phục 5 gian tiền tế, khu trung từ và hậu cung. Từ đây việc sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân bắt đầu ổn định.
Lễ hội truyền thống văn hoá của Đền hàng năm được diễn ra vào ngày 19, 20 tháng 8 âm lịch, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo nên nét đẹp văn hoá làng, xã. Ngoài ra theo tuần tiết còn có các ngày lễ, gồm: ngày 9 tháng giêng lễ Ngọc Hoàng; 14 tháng giêng lễ Thành Hoàng; mồng 3 tháng 3 lễ Mẫu, mồng 4 tháng 5 lễ tướng quân Phạm Ngũ Lão; 15 tháng 7 lễ Vu Lan, xá tội vong nhân; mồng 7 tháng 12 lễ chung các vị thần thờ trong đền.

Trước cách mạng tháng 8, lễ hội làng được tổ chức rất trọng thể, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong vùng cùng tham gia.
Theo điển lệ, từ ngày 15 tháng 8 (âm lịch) đông đảo các tầng lớp nhân dân nô nức ra Đền tổ chức lễ trình, đến ngày 16 tập trung rước Long đình, nhang án ra bến sông, sau đó chèo thuyền về Kiếp Bạc, đến chiều ngày 18 thì rước trở về Đền, lễ tại Đền từ 19 đến 20 thì rã đám. Trong lễ hội có các trò chơi dân gian như bơi chải, đánh vật, đánh mãng.
Hiện nay các thủ tục lễ đã rút gọn, thời gian ngắn nhưng không khí ngày hội vẫn rạo rực trong lòng mọi người dân nơi đây. Cuộc sống kinh tế được cải thiện thì đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng cao. Nét đẹp văn hoá trong lễ hội chính là văn hoá phi vật thể mà Đảng và nhân dân ta đang ra sức giữ gìn, trân trọng.
Toạ lạc trên mảnh đất bằng phằng rộng trên 3.000 m2, Đền được xây theo hướng chính tây, phía trước là đường liên thôn, phía đông giáp khu dân cư.
Đền được xây dựng theo kiến trúc “Tiền nhất, hậu đinh" gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung. Quy mô kiến trúc không lớn song kết cấu tương đối đồng bộ. Ngoài các công trình chính còn có 2 dãy hành lang 3 gian ôm sát 2 hồi tiền tế chạy dọc xuống nhà trung từ, phía cuối hành lang là bàn thờ Mẫu.
Như nhiều di tích thờ tự khác, bài trí đền Tòng Thiện theo nguyên tắc trung là đăng đối và tôn nghiêm.
Từ ngoài vào là toà cửu long, tiếp sau là 3 pho tượng thánh hiền, đây là các pho tượng phật.
Trong đền treo đôi câu đối được tạo vào mùa xuân năm Giáp dần niên hiệu Tự Đức (1854) với nội dung sâu sắc:
“Nam hải chung linh dương hồ tại thượng tại tả hữu
Bắc hà hiển tích y nhiên thử hổ thử nhân dân"
Có nghĩa là:
“Biển Nam hội tụ khí thiêng mênh mông ở trên và hai bên tả hữu
Sông Bắc hiện rõ dấu tích xưa ở nơi đất dân"
Sau cùng là hậu cung, không gian thiêng liêng nhất của di tích, bàn thờ gồm 5 lớp tượng: Ngọc Hoàng Thượng đế, Đức Thánh trần, Nam tào Bắc đẩu, tướng nhà Trần và Thành hoàng làng.
Đền Tòng Thiện là di tích thờ Trần Hưng Đạo với tư cách đại diện cho đạo giáo Việt Nam, Đền còn thờ các vị Thành hoàng thân thế và sự nghiệp của các vị đã được ghi vào thần tích , bia đá, sắc phong và tài liệu lưu trữ tại viện thông tin xã hội. Trong kháng chiến, Đền là cơ sở cách mạng của địa phương. Thời kỳ kháng chiến chống pháp, nhiều đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng đã về đây hoạt động. Bảo tồn di tích đền Tòng Thiện góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày nay trong sự ngiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 1990 Ban Quản lý di tích đã huy động hàng trăm ngày công lao động tự nguyện và hàng trục triệu đồng tiền công đức để khôi phục lại 5 gian tiền tế, góp phần tôn tạo di tích khang trang, đẹp đẽ và ổn định sinh hoạt tín ngưỡng cho nhân dân, tôn vinh người có công với nước, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, với sự giúp đỡ của Bảo tàng tỉnh Hải Dương và các cơ quan chức năng, năm 2006 đền Tòng Thiện được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.
Để việc bảo vệ và sử dụng di tích có hiệu quả, theo quy định của Luật Di sản văn hoá đã được Nhà nước ban hành ngày 12/7/2001, UBND xã Thanh Lang đã thành lập Ban Quản lý di tích gồm 10 thành viên do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, ông trưởng thôn Lang Can 2 làm phó ban; củng cố ban hộ tự nhà Đền gồm những người có tâm huyết với di tích và văn hoá làng xã tham gia. Ban Quản lý có nội quy, quy chế hoạt động cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Hoạt động chính của Ban Quản lý là hướng dẫn nhân dân sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lành mạnh, tổ chức vận động nhân dân khai thác mọi nguồn kinh phí xa gần đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Từ năm 2014 đến năm 2017 với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền sự đồng thuận của nhân dân, sự nhiệt tình hỗ trợ của các nhà hảo tâm việc xây dựng kéo dài trên 3 năm mới hoàn thành, với tổng kinh phí trên 2,384 tỷ đồng, nhân dân địa phương đã có thêm công trình di tích lịch sử văn hoá khanh trang và thanh tịnh là nơi thờ tự người có công với nước với dân. Trồng cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh theo quy hoạch để không ngừng làm đẹp di tích, giữ gìn môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, thu hút khách tham quan, tưởng niệm.
Là một địa phương có lịch sử xa xưa và có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, có nhiều di tích trải đều ở các thôn. Lễ hội di tích lịch sử Đền Tòng Thiện góp phần vào bảo tồn nét đẹp văn hoá của người dân Thanh Lang. Trong những năm vừa qua, Ban Quản lý di tích đã nhận được nhiều sự đóng góp quý báu về tinh thần và vật chất của cán bộ và nhân dân địa phương cùng toàn thể con em quê hương đang sinh sống trên mọi miền tổ quốc và khách thập phương xa, gần để di tích dần được củng cố, tu bổ, xứng với danh hiệu Lịch sử văn hoá do UBND tỉnh công nhận.
2. Vài nét về Di tích lịch sử Đình - Chùa Kim Can:
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đình - Chùa Kim Can là nới nuôi dấu cán bộ cách mạng của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Liên tỉnh uỷ B; còn là địa điểm cứu chữa thương bệnh binh, tổ chức chống càn quân Pháp từ Kiến An (Hải Phòng) sang, hay từ Cẩm Giàng và dọc tuyến đường 5 vào; là địa điểm tổ chức dạy học, dạy chữ và truyền bá tư tưởng yêu nước.
Với những giá trị lịch sử trên năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 304 ngày 19 tháng 01 năm 2017 về việc xếp hạng di tích Đình - Chùa Kim Can là di tích lịch sử cấp tỉnh. Các sự lệ trong năm vẫn được nhân dân giữ gìn vào ngày 15 tháng Giêng - ngày sinh các ngài và ngày mồng 6 tháng Chạp - ngày hoá các ngài. Lễ hội chính diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng (âm lịch hàng năm). Trong đó, ngày 15 là ngày trọng Hội, các nghi lễ phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và các quy định của nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Đất nước ta trải qua bao thăng trầm biến cố ngôi Đình - Chùa Kim Can cũng thăng trầm theo thời gian của lịch sử. Nhưng dù có biến cố thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì cán bộ và nhân dân xã Thanh Lang nói chung và nhân dân thôn Kim can nói riêng vẫn giữ gìn được nét đẹp văn hóa tâm linh, bởi vậy ngôi Đình - Chùa luôn được trân trọng gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử to lớn đó.

Để bảo tồn và phát huy giá trị lich sử, văn hóa của Đình - Chùa Kim Can nơi thờ Thành hoàng làng. Trong những năm vừa qua Ban quản lý di tích Lịch sử Đình Chùa Kim can xã Thanh Lang đã nhận được nhiều tấm lòng phát tâm của các cá nhân và tập thể công đức vào di tích Đình - Chùa Kim Can. Ban quản lý di tích Đình - Chùa Kim Can mong toàn thể nhân dân trong và ngoài địa phương, mọi người hãy tiếp tục phát tâm nhiều hơn nữa cả về tinh thần và vật chất vào di tích lịch sử Đình, Chùa Kim Can để tôn tạo di tích lịch sử ngày càng khang trang và tố hảo hơn nữa đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương mỗi khi đến vãn cảnh và sinh hoạt văn hoá tâm linh tại di tích Đình - Chùa Kim Can.
Lễ Hội Đình chùa Kim Can hang năm quý khách bốn phương về đây với một ước mong: Mọi sự đều được bình an, tốt lành. Chúng ta cùng cầu chúc cho mọi người có sức khỏe tốt, nhà nhà ấm no hạnh phúc, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương Thanh Lang anh hùng ngày càng giàu đẹp văn minh.